Mới đây, tại Hội thi Học sinh – Sinh viên giỏi nghề do Thành Đoàn phối hợp với Sở LĐ-TB-XH TPHCM tổ chức, Nguyễn Thị Thùy Linh (21 tuổi) là thí sinh nữ duy nhất tham gia nghề điện công nghiệp. Được biết, hội thi có hơn 30 thí sinh học nghề này tham gia, có một giải nhất, một giải nhì và Linh là một trong 2 thí sinh đoạt giả ba.
Linh khiến ban tổ chức Hội thi khá bất ngờ, vì dù là nữ nhưng cô đã có thao tác, kỹ năng rất thuần thục và sáng tạo trong quá trình tham gia bài thi. Sau gần 3 giờ (quy định làm bài trong 3 giờ 30 phút), Linh đã thực hiện đo đạc, tính toán dây điện, khoan, khoét lỗ, cưa, đục rồi lắp ráp các thiết bị để hoàn chỉnh một bài thi về lắp đặt điều khiển động cơ và mạch chiếu sáng cầu thang.
Thùy Linh hiện học năm 3 ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Khóa của Linh có đến 300 sinh viên học ngành này nhưng chỉ 11 bạn là nữ.
Thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho hay: “Thùy Linh là một sinh viên rất chăm chỉ, tích cực tham gia các hoạt động của khoa, của trường. Kết quả học tập của Linh được xếp loại giỏi”.
Chia sẻ về lý do chọn một ngành học chủ yếu dành cho con trai, Linh cho biết: “Từ nhỏ em đã thích tìm hiểu về kỹ thuật. Ví dụ nhà có đồ điện tử, xe đạp bị hư là em tháo ra xem bên trong có gì, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó. Năm lớp 12, khi đăng ký hồ sơ dự thi, em đã quyết định chọn ngành này. Có lẽ em cũng là người có chút tính cách mạnh mẽ. Em học cả võ nên mọi người vẫn chọc em là giống con trai”.
Trong quá trình học, Linh cảm thấy có những môn lý thuyết khá khó như môn máy điện, chuyền động điện…, vì có những công thức tính toán mơ hồ, nhưng khi bước vào thực hành, mọi thứ lại trở nên đơn giản. “Nghề này có một chút nặng nhọc, ví dụ trong quá trình làm phải bê một số thiết bị nặng, nhưng cũng không phải là vấn đề lớn vì em được sự hỗ trợ của thầy cô và các bạn nam khác. Tuy nhiên, nữ cũng có nhiều lợi thế vì nghề này còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận”, Thùy Linh chia sẻ.
Nói về dự định sau khi tốt nghiệp, Linh cho rằng sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình trong lĩnh vực điện công nghiệp và đầu tư học tiếng Anh. “Em thấy học ĐH hay học nghề không quan trọng bằng việc chọn được cho mình một nghề phù hợp với năng lực và sở thích. Ở bối cảnh hiện tại, giỏi nghề, giỏi ngoại ngữ là một lợi thế. Vì thế, em sẽ cố gắng trang bị thêm tiếng Anh để phát triển công việc của mình”, Linh thổ lộ.