Giá bán điện hai thành phần, tức theo công suất và điện năng tiêu thụ, sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí tới khách hàng và tiết kiệm tiền điện, theo Bộ Công Thương.
Hiện, Việt Nam áp dụng giá điện một thành phần, tức tính theo lượng điện tiêu thụ trong tháng. Biểu giá này chỉ bù đắp chi phí biến đổi (tiền mua nhiên liệu, vật tư…) cho nhà máy phát điện. Đây cũng là bất cập tồn tại lâu nay trong cơ cấu biểu giá điện, khiến tiền điện tăng mỗi khi chuyển mùa nóng, cũng như bù chéo giữa khách hàng dùng điện cho sản xuất và hộ gia đình.
Vì thế, Bộ Công Thương vừa giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần, gồm công suất và điện năng tiêu thụ. Kết quả nghiên cứu sơ bộ dự kiến có trong tháng 6.
Thực tế, về nguyên lý, ngoài bù đắp chi phí biến đổi, giá hai thành phần sẽ bổ sung thêm khoản để bù chi phí cố định của đơn vị phát điện, như khấu hao, nhân công, sửa chữa…
“Giá hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho bên sản xuất và tiêu thụ điện, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nếu áp thêm giá công suất vào cơ cấu biểu giá điện, sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng, tiết kiệm tiền điện và giảm đầu tư nguồn, lưới”, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nói.
Ngoài ra, theo ông Hòa, giá điện theo công suất và lượng tiêu thụ sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng dùng điện, vốn là điểm hạn chế khi chỉ tính theo điện năng tiêu thụ như hiện nay.
Ông phân tích, cùng một lượng điện tiêu thụ là 100 kW, nhưng người dùng trong một ngày sẽ có giá trị công suất, chi phí gây ra cho hệ thống điện khác với dùng một giờ. Tức là, trường hợp dùng 100 kW trong một ngày, ngành điện đầu tư chi phí cố định cho công suất này và trả phí vận hành cho một ngày. Cũng với mức dùng này nhưng trong một giờ, tiền đầu tư quy mô công suất là tương đương, song chi phí vận hành ngành điện trả sẽ ít hơn.
Như vậy, với biểu giá tính theo điện tiêu thụ (một thành phần) đang áp dụng, tiền điện phải trả của hai khách hàng này là như nhau, nhưng thực tế chi phí các hộ này gây ra cho hệ thống điện khác nhau.
Còn tới đây, nếu áp giá hai thành phần (giá theo công suất và điện tiêu thụ), khách hàng nào dùng điện ảnh hưởng tới hệ thống nhiều hơn, họ sẽ phải trả chi phí cao hơn.
“Giá theo công suất và điện tiêu thụ đem lại lợi ích cho khách hàng và đảm bảo thu hồi chi phí đầu tư của ngành điện. Vì thế, cơ chế này tại nhiều nước được xem như là biện pháp quản lý, tiết giảm nhu cầu dùng điện của người sử dụng một cách tự nhiên”, theo Cục Điều tiết điện lực.
Một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng việc áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần là hướng đi đúng đắn, cần đẩy nhanh áp dụng ở Việt Nam. Hiện nhiều quốc gia trong khu vực, thế giới đã áp giá hai thành phần.
“Có thể chọn khu vực nhất định để thí điểm giá này. Khách hàng khi đó được quyền chọn giữa áp biểu giá hiện hành hay cơ chế hai thành phần, để so sánh mức độ sử dụng, hóa đơn tiền điện. Sau thời gian thí điểm, tổng kết sẽ triển khai diện rộng”, vị này nói.
Ngoài ra, cách làm từng bước sẽ giúp quá trình thực thi tạo sự đồng thuận, tránh những điểm nghẽn về pháp lý khi một số đơn vị điện lực có khả năng triển khai.
Thực tế, từ 2014 giá hai thành phần đã được đề cập tại Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nhưng đến giờ Bộ Công Thương mới giao EVN nghiên cứu. Bởi, hạ tầng ngành điện, nhất là hệ thống công tơ đo đếm từ xa, tới giờ mới đáp ứng yêu cầu nếu đưa vào áp dụng, theo giải thích của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.
Hiện, các tổng công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng với hầu hết khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh – vốn là những đối tượng được áp giá theo thời gian dùng trong ngày (TOU) và tiêu tốn nhiều điện năng.
Ở thời điểm này việc nghiên cứu, tính toán giá điện hai thành phần sẽ chỉ hướng tới khách hàng sản xuất, kinh doanh, còn hộ gia đình dùng cho sinh hoạt thì chưa. Đây cũng là cơ chế hiện được nhiều quốc gia trong khu vực, thế giới áp dụng.
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện hai thành phần, như Trung Quốc. Theo đó, giá công suất điện than được xác định trên cơ sở chi phí cố định của các nhà máy, tối đa 330 nhân dân tệ một kW mỗi năm. Nhưng phần lớn các địa phương tại nước này áp giá công suất 100-165 nhân dân tệ mỗi kW một năm, tùy theo tỷ lệ năng lượng tái tạo và nhu cầu sử dụng điện than. Tiền điện cho công suất điện than được họ tính vào chi phí vận hành hệ thống. Các khách hàng công nghiệp, thương mại sẽ phải chịu chi phí công suất trả của các nhà máy do sử dụng nhiều điện và phân bổ theo tỷ lệ tiêu thụ điện trong tháng.
Với Việt Nam, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh nhận xét cơ chế giá điện sẽ rõ ràng hơn nếu áp dụng giá theo công suất và điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên điều này đòi hỏi cải tổ toàn bộ biểu giá điện hiện nay.
Trong khi đó, Cục Điều tiết điện lực cho hay giá hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm qua dữ liệu đo đếm công tơ từ xa. Vì thế, việc này không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng hiện nay, tức họ vẫn trả tiền điện theo biểu giá hiện hành. Nhưng việc nghiên cứu, tiến tới thí điểm là bước cần thiết để đánh giá, tính toán khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá hiện hành và hai thành phần.